Đồ chơi mầm non

-->

Trang chủ / Tin tức / Bàu Bàng hướng tới đô thị công nghiệp dịch vụ, Xây dựng đô thị công nghiệp văn minh thân thiện môi trường

Bàu Bàng hướng tới đô thị công nghiệp dịch vụ, Xây dựng đô thị công nghiệp văn minh thân thiện môi trường


(Xây dựng) - Từng là địa chỉ tạo nên trận đánh huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phá tan chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” hóa giải âm mưu bình định miền Nam Việt Nam trong 18 tháng của chính quyền Giôn-xơn. Ngày nay, Bàu Bàng đang vươn mình đi lên xây dựng CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn. Cùng với tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị của Bình Dương, sự ra đời của KCN đô thị - dịch vụ Bàu Bàng như là sự khẳng định tất yếu trong xu hướng phát triển của vùng kinh tế năng động và đầy tiềm năng.


Lãnh đạo Bộ Xây dựng, tỉnh Bình Dương, chủ đầu tư cùng thực hiện nghi thức khởi động xây dựng và phát triển KCN đô thị Bàu Bàng.

Chuyển mình để phát triển

Theo quy hoạch, KCN đô thị Bàu Bàng có tổng diện tích 2.200ha trong đó có 1.000ha đất công nghiệp và 1.200ha đất dịch vụ, tái định cư cho người dân. Đến nay, 95% diện tích đất công nghiệp đã được lấp đầy, thu hút được 95 nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký lên đến 1,2 tỷ USD. Nhà đầu tư tới từ các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Hà Lan, Đan Mạch, Italia, Singapore, Malaysia, Việt Nam và một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Becamex IDC (chủ đầu tư KCN đô thị Bàu Bàng) cho biết: Với vị trí địa lý thuận lợi, Bàu Bàng sở hữu hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn chỉnh và thuận tiện về giao thông cả nội tuyến lẫn hệ thống giao thông huyết mạch nhờ sự kết nối với Đại lộ Bình Dương rộng rãi thông thoáng, tuyến đường sắt xuyên Á, tuyến đường Hồ Chí Minh tạo nên một ưu thế vượt trội cho việc phát triển kinh tế. KCN đô thị dịch vụ Bàu Bàng đóng vai trò cửa ngõ quan trọng trong việc giao thương, nơi tiếp giáp với những cửa khẩu quan trọng và xung yếu góp phần tạo ra động lực phát triển kinh tế cho cả khu vực miền Đông Nam bộ và cả vùng Tây Nguyên rộng lớn.

“Trên cơ sở nhận thức sâu sắc rằng, muốn Bàu Bàng nói riêng và vùng công nghiệp và đô thị phía bắc tỉnh Bình Dương phát triển, cần phải mạnh dạn đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch liên kết vùng như: Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn kéo dài lên Bàu Bàng và kết nối với đường Hồ Chí Minh, đường Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng. Đây là những dự án giao thông quan trọng của Bình Dương nhằm tạo thêm một điểm nhấn về kiến trúc, mở rộng liên kết vùng giữa Bình Dương, Bình Phước với TP.HCM và các tỉnh trong khu vực, tạo bộ mặt mới trong xây dựng đô thị, góp phần hoàn thiện nhanh quá trình phát triển mạnh mẽ của Bàu Bàng. Các tuyến đường này khi hoàn thành sẽ gắn kết giao thông giữa các vùng công nghiệp hướng tới cảng sông, cảng biển trong tỉnh cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo thành chuỗi cung ứng Logistic - Hậu cần công nghiệp một cách đa dạng, liên thông, làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong tỉnh Bình Dương”, ông Hùng nhấn mạnh.

Sau hơn 2 năm được thành lập, Bàu Bàng đã vươn mình mạnh mẽ và có những bước đi vững chắc trong phát triển công nghiệp đô thị dịch vụ theo hướng văn minh, tiện ích và có tính liên kết cao với các đô thị của Bình Dương, cũng như trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trước đây, vùng đất Bàu Bàng là những xã vùng xa của huyện Bến Cát, được chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như điện, đường, trường, trạm nên đời sống của nhân dân đã được cải thiện, kinh tế phát triển.


Đường vào KCN đô thị Bàu Bàng.

Nắm bắt nhu cầu thực tế của các nhà đầu tư hiện tại và tương lai, TCty Becamex tiếp tục đầu tư xây dựng KCN đô thị Bàu Bàng mở rộng với diện tích 1.000ha. Nâng quy mô diện tích của KCN lên tới trên 3.200ha, dự kiến gia tăng quy mô dân số huyện Bàu Bàng lên tới 200.000 người. Đáp ứng được nhu cầu nhân lực cũng như dịch vụ đô thị, thu hút các nhà đầu tư một cách mạnh mẽ, bền vững.

Ông Nguyễn Hữu Chí - Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng chia sẻ: Thực hiện lộ trình đô thị hóa của tỉnh, đồng thời để Bàu Bàng có điều kiện phát triển kinh tế, năm 2007, được sự chấp thuận của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và UBND tỉnh, TCty Becamex đã quy hoạch, xây dựng và hình thành KCN đô thị Bàu Bàng với quy mô 2.200ha, trong đó phần đất dành cho sản xuất công nghiệp 1.000ha.

“Kể từ khi có KCN, đã kéo theo sự phát triển về đô thị, về thương mại, dịch vụ, cộng với sự hình thành đơn vị hành chính mới, giúp người dân có điều kiện sản xuất, kinh doanh và thực hiện các thủ tục hành chính được nhanh gọn. Sau gần 2 năm đi vào hoạt động cho đến nay, kinh tế của Bàu Bàng đã có nhiều khởi sắc và từng bước phát triển đi lên. Vai trò của TCty Becamex như một động lực trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp - đô thị ở Bến Cát trước đây và ở Bàu Bàng hiện tại. Bàu Bàng mặc dù mới được hình thành, song Bàu Bàng xác định lấy công nghiệp - đô thị làm mục tiêu phát triển. Bàu Bàng quyết tâm phấn đấu để trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh và sẽ là đô thị vệ tinh của TP Bình Dương trong tương lai”, ông Chí nêu quyết tâm.

Xây dựng đô thị công nghiệp văn minh thân thiện môi trường

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương và sự ủng hộ của chính quyền địa phương, TCty Becamex IDC tiếp tục đẩy mạnh phát triển khu vực dịch vụ đô thị trung tâm huyện Bàu Bàng - thị trấn Bàu Bàng với cốt lõi là KCN đô thị Bàu Bàng trở thành đô thị vệ tinh của TP mới Bình Dương - đô thị trung tâm của Bình Dương trong tương lai. Đây cũng là định hướng của Bình Dương tập trung phát triển công nghiệp lên khu vực phía bắc của tỉnh Bình Dương, còn phía nam giành phát triển đô thị theo hướng thân thiện môi trường.

Theo đó, khu đô thị trung tâm huyện Bàu Bàng sẽ phát triển đồng bộ, hài hòa giữa phát triển công nghiệp và dịch vụ đô thị với mục tiêu tiếp tục thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, có giá trị sản xuất lớn, ít sử dụng lao động. Đồng thời, xây dựng đồng bộ các công trình như hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, các công trình công cộng như: Bệnh viện, trường học, công trình văn hóa thể thao, tiện ích công cộng gắn với công trình thương mại dịch vụ, nhà ở xã hội tạo sự ổn định cho người dân.


Nhà máy xí nghiệp trong KCN đô thị Bàu Bàng đã hình thành đi vào sản xuất.

Đặc biệt là việc phê duyệt quy hoạch xây dựng khu trung tâm Hành chính huyện trên diện tích 30ha với tòa nhà Trung tâm hành chính cao 8 tầng, 20 nghìn m2 sàn xây dựng nhằm đáp ứng được nhu cầu làm việc cho khoảng 500 cán bộ công chức của huyện Bàu Bàng - đảm bảo chỉ tiêu số lượng tính đến năm 2050. Tòa nhà sẽ bố trí các cơ quan của Huyện ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các phòng ban chuyên môn khác. Phần diện tích còn lại được sử dụng cho Trung tâm Hội nghị Triển lãm, nhà khách, nhà công vụ, quảng trường, cây xanh, mặt nước, bãi đậu xe ngoài trời... tạo nên một tổng thể hài hòa và thân thiện với môi trường. Trung tâm hành chính Bàu Bàng sẽ là “trung tâm kiến tạo và truyền động lực” góp phần tạo dựng bộ mặt mới trong phát triển đô thị, đồng thời giúp người dân và DN dễ dàng tiếp cận với một nền hành chính công minh bạch và hiệu quả.

Ông Hùng khẳng định: “Với những hạng mục, công trình đã, đang, sắp được thực hiện một cách đồng bộ, hài hòa, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ xây dựng và phát triển KCN đô thị Bàu Bàng trở thành một KCN và đô thị kiểu mẫu, hướng đến sự phát triển ổn định, lâu dài và bền vững. Sự thành công của KCN đô thị Bàu Bàng cũng chính là sự thành công của huyện Bàu Bàng trong tương lai, góp phần xây dựng Bình Dương trở thành TP trực thuộc Trung ương theo định hướng đến năm 2020”.

Nỗ lực đầu tư đồng bộ từ việc mở rộng cơ sở hạ tầng, xây dựng khu trung tâm hành chính, khu dịch vụ đô thị, đầu tư các tuyến giao thông kết nối... sẽ đem lại sự phát triển bền vững không chỉ cho KCN đô thị Bàu Bàng mà còn cho sự phát triển kinh tế xã hội của huyện Bàu Bàng nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung trong tương lai.


TIN TỨC LIÊN QUAN



HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN


TAGS